Tỉnh Quảng Nam đã lên danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý từ năm 2010, nhưng đến nay những điểm đen ô nhiễm này vẫn chậm khắc phục hoặc khắc phục không triệt để do thiếu nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý môi trường. Đây chính là lực cản đối với tỉnh Quảng Nam trong phát triển bền vững.
MỤC LỤC
Rác thải công cộng, vô chủ tràn lan
Đề án thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cách đây hơn 2 năm, nhưng ở nhiều nơi, nhất là các địa phương miền núi vẫn xoay xở khó khăn. Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam cho thấy, tỷ lệ các hộ dân đăng ký thu gom rác thải khu vực miền núi chỉ đạt 30 – 40% tổng lượng rác xả ra. Rác thải công cộng, vô chủ còn nhiều, trong khi mức thu phí vệ sinh còn thấp. Vùng nông thôn của tỉnh đạt 70% và thành phố khoảng 80%. Do giá thành dịch vụ cao dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi. Mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thu gom rác thải được thành lập ở nhiều địa phương cũng lúng túng do thiếu kinh phí để hoạt động.
Hịên nay, 2 đơn vị được cấp phép xử lý chất thải nguy hại của tỉnh Quảng Nam là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam và Công ty TNHH An Sinh đầu tư nhà máy tái chế chất thải nguy hại tại huyện Đại Lộc. 2 đơn vị này mỗi năm phải xử lý khối lượng chất thải nguy hại phát sinh của toàn tỉnh là gần 7.000 tấn nhưng các đơn vị này chỉ mới xử lý được khoảng hơn 3.000 tấn (đạt gần 50%).
Công tác xử lý chất thải rắn hiện nay của tỉnh Quảng Nam chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp thủ công. Khu vực đồng bằng và trung du được xử lý tập trung tại 3 bãi rác ở Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (huyện Núi Thành), bãi rác Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) và 1 Nhà máy sản xuất phân compost đang hoạt động tại phường Cẩm Hà (TP. Hội An) với tổng công suất thiết kế 55 tấn rác sinh hoạt/ngày, tuy nhiên nhà máy này cũng chỉ xử lý chất thải hữu cơ. Đối với khu vực miền núi là các bãi rác thủ công quy mô nhỏ thì chủ yếu là chôn lấp. Ngoài ra, các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Núi Thành, Phước Sơn, Nông Sơn, Nam Giang đầu tư các lò đốt rác tại chỗ.
Bạn cần tư vấn? Hãy để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ ngay!
Tại TP. Hội An, do phát triển kinh tế, du lịch đang tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Mấy năm nay, hàng trăm hộ dân của phường Điện Nam Đông, Điện Dương (thị xã Điện Bàn) và hơn 400 hộ dân phường Cẩm Hà (TP. Hội An) đang phải sống chung với ô nhiễm từ bãi rác Hội An với số lượng tồn dư trên 80 ngàn tấn nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý. Rác thải y tế tại các bệnh viện cũng đang tạo ra “khoảng trống” trong đầu tư. Nhiều trung tâm y tế của tỉnh Quảng Nam chưa được chấp thuận tự xử lý chất thải y tế nguy hại vì hồ sơ môi trường không đủ điều kiện như lò đốt cũ kỹ, xuống cấp không đảm bảo.
Hiện nay, các khu công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ đạt tỷ lệ 43%, hiện chỉ có 3/27 đô thị trên địa bàn tỉnh có công trình xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Báo động là các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý này chỉ chiếm chưa đến 2%.
Hầu như các cụm công nghiệp đều không đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các huyện Đại Lộc, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Thăng Bình… mỗi cụm công nghiệp chỉ có 1- 2 nhà máy.Kiên quyết xử lý những cơ sở gây ô nhiễm
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết: thực trạng chung là có quá nhiều cụm công nghiệp ra đời trên địa bàn tỉnh, nhưng hầu như “quên” đầu tư hệ thống xử lý môi trường tập trung.
Quan điểm của Sở TN & MT tỉnh Quảng Nam sắp đến là tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, rà soát loại bỏ một số cụm công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, gây ô nghiễm môi trường. Nâng cao chất lượng hiệu quả các báo cáo đánh giá tác động môi trường; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp.
Quan điểm nhất quán của tỉnh Quảng Nam hiện nay là không thu hút đầu tư thêm các dự án về dệt nhuộm, sản xuất, chế biến và thuộc da, xi mạ luyện kim, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản rắn có sử dụng hóa chất độc hại.
Nếu thu hút đầu tư, thì cân nhắc lợi, hại, xem xét loại hình sản xuất phải theo quy hoạch chung của tỉnh. Không thu hút những dự án mà phải đánh đổi môi trường.Từ năm 2017, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra thường xuyên các đối tượng sử dụng lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên và xả thải ra sông, biển. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các khu vực khai thác khoáng sản, làng nghề, lưu vực sông.
Một số điểm nóng về môi trường đã được xác định hoặc không được sự đồng thuận của cộng đồng như Nhà máy sản xuất Sô đa, Nhà máy thép Việt Pháp…, một số trang trại chăn nuôi sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian đến.
Nguồn: xulyrac.com.vn